Báo cáo đào tạo Thương mại điện tử năm 2023

Báo cáo đào tạo Thương mại điện tử năm 2023
Tác giả: VESA VECOM
Ngày đăng: 25-4-2023
Năm xuất bản:
Định dạng: PDF

Xem chi tiết báo cáo: Tại đây

Từ năm 2022 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đặt ưu tiên cao  trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cơ sở giáo dục đại học triển khai hoạt  động đào tạo ngành, chuyên ngành và học phần thương mại điện tử. Báo cáo Đào tạo  Thương mại điện tử 2022 với chủ đề “Những bước tiến nổi bật” là tài liệu đầu tiên ở  Việt Nam cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng về hiện trạng đào tạo thương mại điện  tử ở các trường đại học. Đồng thời, Báo cáo đã nêu bật nhiều khó khăn trong hoạt  động này và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa các  trường đại học với các doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt mục tiêu gắn đào tạo với thực  tiễn.  

Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính  phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn  2021 – 2025 đã đặt ra mục tiêu tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo  dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử và một triệu lượt doanh nghiệp,  hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về  kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. 

Cuộc khảo sát từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023 tại 238 cơ sở giáo dục đại  học (gọi tắt là trường đại học) không thuộc khối Quốc phòng – An ninh, Nghệ thuật  hoặc đặc thù cho thấy đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong  đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử với mã ngành 7340122. Nếu có  sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà  nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt  Nam cùng các tổ chức và doanh nghiệp thì mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở  giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi. 

Trong khi mục tiêu về số lượng có thể đạt được thì chất lượng đào tạo thương  mại điện tử từ mức học phần tới chuyên ngành và đặc biệt là ngành còn chưa cao. Báo  cáo năm nay đã rà soát nhiều đề xuất và giải pháp được nêu trong Báo cáo năm 2022 về hợp tác, học liệu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, thực tập và kiến tập,  câu lạc bộ sinh viên. Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị mới về sự đa dạng, khác  biệt giữa chương trình đào tạo của các trường, đưa các chủ đề về bảo vệ môi trường  và xuất khẩu trực tuyến vào chương trình đào tạo, hướng tới mục tiêu đào tạo gắn với  thực tiễn. 

Báo cáo này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và  Kinh tế số thuộc Bộ Công thương (iDEA). Nhiều trường đại học trên cả nước, đặc biệt  là các trường thành viên của Mạng lưới các trường đào tạo thương mại điện tử  (VecomNet) đã tích cực cung cấp thông tin. Tuy nhiên, việc thu thập toàn diện, đầy đủ,  chính xác thông tin đa dạng về đào tạo thương mại điện tử rất khó khăn. Do đó, có thể  còn một số thông tin hay nhận định trong Báo cáo chưa chính xác. Chúng tôi mong  nhận được góp ý từ các trường, cán bộ giảng viên, sinh viên và mọi tổ chức, cá nhân  quan tâm tới hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học để có thể  cập nhật kịp thời những sai sót.

Cho tới hết năm 2023 vẫn chưa có tổ chức nào tiến hành khảo sát và công bố  thông tin về tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.  Trong khi đó các cơ sở này là nguồn cung nhân lực trọng yếu cho các doanh nghiệp  kinh doanh trực tuyến. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam hy vọng sẽ có sự chỉ  đạo kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động này.